Thích Ca Phật Đài
Đây là một ngôi chùa nằm trên sườn núi Lớn của thành phố Vũng Tàu. Vẻ đẹp của ngôi chùa kết hợp rất khéo léo giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên. Đáng chú ý nhất là ngọn tháp Bát Giác cao 19m và tượng Phật Thích Ca ngồi thiền trên tòa sen xây bên lưng chừng núi, du khách đứng từ xa có thể chiêm ngưỡng được.
Đường đi: Du khách đến Thích Ca Phật Đài theo đường Lê Lợi, rẽ về đường Trần Phú hoặc từ đường Trần Phú – bãi Trước theo đường ven biển đi qua bãi Dâu, tới địa phận Bến Đá là gặp Thích Ca Phật Đài.
Tượng Thích Ca Phật Đài. Ảnh: banchanviet
Tượng Đức Chúa dang tay
Tượng Chúa Ki-Tô hay Tượng Đức Chúa dang tay đứng trên đỉnh Núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu, được xây từ năm 1974. Bức tượng này cao 32 m, sải tay dài 18,3 m trên độ cao 170 m nhìn ra biển, bên trong có cầu thang 133 bậc lên tận 2 tay của tượng. Bức tượng có thể xem như một phiên bản tương tự tượng chúa dang tay tại thành phố Rio de Janeiro ở Brasil.
Vị trí: Tượng chúa Kitô nằm trên đỉnh núi Nhỏ, thành phố Vũng Tàu.
Tượng chúa Ki –Tô. Ảnh: dulichbanvatoi
Bạch Dinh
Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho xây Bạch Dinh (Villa Blanche) trên nền pháo đài Phước Thắng nơi từng khai hỏa bắn vào tàu chiến Pháp gần 50 năm trước. Bạch Dinh là một công trình kiến trúc La Mã 3 tầng, cao 19 m, lưng tựa vào Núi Lớn. Tại đây hiện còn lưu giữ 19 khẩu thần công.
Vị trí: Số 10 đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu.
Vẻ đẹp của Bạch Dinh nhìn từ trên cao. Ảnh: tripssaving
Khu du lịch Hồ Mây
Đây là một trong những điểm đến thú vị nên khám phá khi đến Vũng Tàu. Vừa được đi cáp treo ngắm cảnh, chơi trò chơi thoải mái lại còn được tắm hồ. Đặc biệt, nơi đây là điểm đến lý tưởng dành cho các em thiếu nhi với hàng loạt những trò chơi như như máy bay, ngựa quay, nhà liên hoàn, xe lửa, công viên nước thiếu nhi,… chắc chắn sẽ mê hoặc khiến các em thỏa chí vui chơi trong kỳ nghỉ của mình.
Ảnh: doisongphapluat.com
Khu di tích Đình Thắng Tam
Tại khu di tích này, ngoài Ngôi Tiền Hiền và Lăng Ông Nam Hải, miếu Bà Ngũ Hành còn có ngôi miếu Bà, tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ, nằm chông chênh, nhô ra trước mặt biển. Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu được xem là một trong những sản phẩm du lịch tâm linh của Bà Rịa Vũng Tàu, thu hút đông đảo du khách.
Vị trí: 77A đường Hoàng Hoa Thám, P Thắng Tam, Vũng Tàu.
Ảnh: bariavungtau.com
Niết Bàn Tịnh Xá
Đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc hiện đại. Chùa “Niết Bàn Tịnh Xá” còn gọi là chùa “Phật Nằm” được xây dựng trên sườn núi Nhỏ, hướng mặt ra biển. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1969 và khánh thành vào năm 1974 bằng tiền quyên góp của đồng bào phật tử. Thượng tọa Thích Thiện Huệ đại diện đứng ra lo toan việc xây dựng. Đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc hiện đại.
Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát
Đây là ngôi chùa nhỏ nổi bật với pho tượng phật Bà Quan Âm trắng cao 16m hướng ra biển đứng trên tòa sen, tay cầm bình Cam Lộ, với khuôn mặt hiền hòa, đức độ.
Vị trí: Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát nằm trên đường vòng núi Lớn, thành phố Vũng Tàu, cách bãi Dâu 500m.
Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát nhìn từ bên ngoài. Ảnh: vietnamtourism
Linh Sơn Cổ Tự
Tuy không đồ sộ, rộng lớn nhưng Linh Sơn Cổ Tự là ngôi chùa lâu đời nhất ở Vũng Tàu. Trong chánh điện có thờ một tượng Phật cao 1,2m bằng đá thếp vàng được điêu khắc rất khéo léo tạo nên vẻ từ bi và sống động trên nét mặt của đức Phật.
Vị trí: 61 Hoàng Hoa Thám, Vũng Tàu.
Hải Đăng Vũng Tàu
Đến đây, sau khi men theo đường hầm được xây kiên cố trong ngôi nhà hai tầng vốn là nơi cư trú và sinh hoạt của những người gác hải đăng bạn sẽ lên đến đỉnh tháp. Từ đây, bạn có thể thu vào tầm mắt cả thành phố Vũng Tàu ẩn hiện trong sương, các bãi tắm hình lưỡi liềm, núi Minh Đạm xanh ngát. Hay nhìn xuống ngay bên dưới, cả rừng hoa sứ rực sáng làm nổi bật nét kiên cố, vững chãi của toàn bộ cụm tháp.
Vị trí: Nằm trên đỉnh núi Nhỏ, thành phố Vũng Tàu.
Hải Đăng Vũng Tàu. Ảnh: banchanviet
Nhà lớn (Đền Ông Trần)
Nhà lớn Long Sơn hay Đền Ông Trần là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quí tọa lạc tại thôn 5, với tổng diện tích khoảng 2 ha, chia thành ba khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần.
Vị trí: Dưới chân núi Dứa, thôn 5, xã Long Sơn, Vũng Tàu.
Bảo tàng vũ khí cổ
Bảo tàng vũ khí cổ (Worldwide Arms Museum) do ông Robert Tay- lor (quốc tịch Anh) và vợ Nguyễn Thị Bông sáng lập. Theo đánh giá của du khách, đây là một trong những bảo tàng đáng xem nhất ở Việt Nam. Mở cửa khai trương từ đầu năm 2012, bảo tàng trưng bày 500 hình nộm kích thước bằng người thật, khoác trên mình những bộ quân phục tuyệt đẹp, đại diện cho hình ảnh chiến binh từ khắp nơi trên thế giới trong nhiều thời kỳ; hơn 1.200 cây súng, 1.000 cây gươm cổ với lịch sử và cả những câu chuyện thú vị khác đi kèm.
Vị trí: Số 98 Trần Hưng Đạo, thành phố Vũng Tàu.
Bảo tàng vũ khí cổ. Ảnh: wikimapia.org
Hòn Bà
Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ, dưới chân đảo sóng biển đánh tung bọt trắng xoá rất lên thơ, nằm phía ngoài biển theo đường hạ Long vòng Núi nhỏ, Từ Bãi Trước, qua Bãi Dứa đến mũi Nghinh Phong. Hòn Bà nằm cách chân Núi Nhỏ khoảng 200m. Năm 1881 ông Hồ Quang Minh gốc miền Trung đã bỏ kinh phí ra xây dựng một ngôi miếu nhỏ trên đảo gọi là Miếu Bà.
Khi thủy triều xuống thấp, có thể men theo một lối đá chập trùng để ra đảo. Ngày rằm hay mồng một, bà con thường ra đảo rất đông để thắp hương cầu may tại ngôi miếu nhỏ này.
Khi thủy triều xuống, du khách có thể đi bộ ra Hòn Bà. Ảnh: panoramio
Nhà Úp Ngược
Mô hình Nhà Úp Ngược Vũng Tàu là một tòa nhà cao 3 tầng, gồm 2 khu vực tham quan và quán cà phê. Khu vực tham quan có 7 phòng chụp, mỗi phòng có khoảng 4 góc chụp ảnh khác nhau, các căn phòng đều được trang trí với màu sắc và nội thất phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế.
Ảnh: FB Nhà Úp Ngược
Không chỉ thú vị ở ngoại thất mà khi bước vào bên trong, bạn còn bất ngờ hơn với tất cả đồ nội thất trong nhà đều đảo ngược. Cụ thể bạn sẽ bước đi trên mái nhà thay vì sàn nhà và đồ nội thất sẽ lửng lơ ở phía trên. Sự đảo lộn đã khiến khiến du khách tham quan có cảm giác như mình lạc vào một trạm du hành vũ trụ hay đi trên đường cao tốc. Bởi vậy bất cứ ai vào đây đều muốn ghi lại những bức ảnh thú vị của mình.
Giá vé tham quan: 40.000 đồng/người
Giờ mở cửa: Từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối
Địa chỉ: Số 66 Cô Giang, phường 4, thành phố Vũng Tàu
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, người dân địa phương đều tổ chức những Lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm dấu ấn văn hóa và phong tục, tín ngưỡng của cư dân vùng biển, thu hút hàng chục ngàn lượt khách thập phương đến tham gia. Dưới đây là một số Lễ hội nổi tiếng ở Vũng Tàu mà bạn cần ghi nhớ khi có dịp ghé phố biển xinh đẹp này.
Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo
Ngày 20/08 Âm Lịch hàng năm, lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo được tổ chức tại Hội đền thờ Đức Thánh Trần: số 68 Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu. Từ lâu, Lễ giỗ Đức thánh Trần không còn bó hẹp trong cộng đồng địa phương mà đã trở thành lễ hội thu hút nhiều người từ các địa phương trong cả nước.
Thông qua các lọai hình họat động của lễ hội, còn là cách để giáo dục các thế hệ nối tiếp nhau về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Vào dịp lễ hội, hàng vạn lượt khách thập phương và người dân địa phương cùng tham dự lễ khai mạc và lễ dâng hương.
Lễ hội Dinh Cô
Dinh Cô là khu đền có kiến trúc hoành tráng, với những nét kiến trúc truyền thống, nằm bên bờ biển Long Hải của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Lễ hội Dinh Cô (10 – 12/2 Âm lịch hàng năm) mang đậm màu sắc dân gian, mỗi lần mở hội đã thu hút hàng vạn du khách đến tham dự và thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây.
Lễ hội Dinh Cô Vũng Tàu. Ảnh: dulichtructuyen
Lễ hội nghinh Ông
Hàng năm lễ Nghinh Ông được tổ chức tại lăng Cá Ông ở đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu. Lễ hội tổ chức trong 3 ngày từ ngày 16 – 18 tháng 8 âm lịch. Đây là lễ hội nước lớn nhất của ngư dân Vũng Tàu. Lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu đã được Bộ VH-TT-DL và Tổng cục Du lịch chọn là 1 trong 15 lễ hội lớn của cả nước từ năm 2000.
Lễ hội Đình Thần Thắng Tam
Hàng năm lễ hội được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 17-20 tháng 2 âm lịch. Đây là lễ hội cầu an, nhân thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá. Phần lễ diễn ra rất cầu kỳ: cúng tế, lễ vật tế thần, dâng hương quỳ lạy, chiêng trống, kèn nhạc và có rất nhiều điều kiêng kỵ như heo dùng để tế lễ phải có bộ lông cùng màu, người có tang không được tham gia vào việc nghi thức tế lễ. Phần hội có nhiều trò vui chơi giải trí như múa lân, hát bội.
Lễ hội Đình Thần Thắng Tam. Ảnh : ST
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành được tổ chức hàng năm vào các ngày 16, 17, 18/10 Âm lịch tại Miếu Bà Ngũ Hành, thành phố Vũng Tàu. Lễ hội được tổ chức long trọng với những nghi thức tế lễ trang nghiêm cùng các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới dâng hương cúng vái.
Nếu bạn có thời gian và muốn trải nghiệm không khí , cảnh vật biển tuyệt đẹp của Vũng Tàu, hãy làm một chuyến du lịch phượt đi Vũng Tàu để cảm nhận.